Hiệu ứng tích cực từ Hành lang kinh tế Đông - Tây

Thứ năm - 01/12/2022 03:08
Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) chính là thành tố quan trọng thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế ở Tiểu vùng sông Mê Kông. Trong đó, Quảng Trị được nhắc đến là một trong những địa phương khá thành công trong việc xác định trụ cột tăng trưởng tạo nên một “hiện tượng” tích cực.
Năng lượng xanh giúp Quảng Trị tạo hiệu ứng tích cực với EWEC
Năng lượng xanh giúp Quảng Trị tạo hiệu ứng tích cực với EWEC

Quảng Trị xác định công nghiệp năng lượng là điểm nhấn

Với quá trình hình thành, phát triển và triển khai trên thực địa, EWEC góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân khu vực hạ lưu sông Mê Kông…

Theo đó, Quảng Trị được coi là điểm đầu cầu trên tuyến EWEC. Giao điểm huyết mạnh về đường bộ, đường sắt, đường thủy, thuận lợi cho giao lưu hai miền Bắc - Nam, có tuyến đường xuyên Á gần và thuận lợi nhất để Quảng Trị mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Với chỉ số sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá; thương mại đạt tỷ trọng đóng góp trong tổng GRDP của tỉnh khoảng 8,6%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng bình quân hàng năm 10,07%... Quảng Trị chọn cực tăng trưởng cho lĩnh vực công nghiệp là công nghiệp năng lượng, trong đó năng lượng “xanh” là mấu chốt.

Hiện thực hoá mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, địa phương đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án về năng lượng nhằm cụ thể hoá mốc thời gian đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng miền Trung vào năm 2030.

Cụ thể, tỉnh Quảng Trị đã được phê duyệt quy hoạch 31 dự án điện gió với tổng công suất 1.177,2 MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 149,5 MWp (tương đương 127 MW); 1 dự án nhà máy nhiệt điện than với công suất 1.320 MW, 2 dự án điện khí với tổng công suất 1.840 MW và 18 dự án thủy điện (bao gồm cả Dự án Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị, công suất 64 MW), với tổng công suất 260,5 MW…

Hiện nay, tỉnh cũng đang tích cực làm việc với các cấp bộ, ngành trung ương để đưa các dự án năng lượng của tỉnh vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) làm cơ sở kêu gọi, triển khai đầu tư.

Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tỉnh Quảng Trị có dự án TBA 500 KV Hướng Hóa và đường dây 500 kV Quảng Trị - Hướng Hóa với quy mô công suất đến năm 2030 là 2.700 MVA. Đây là điều kiện thuận lợi để khu vực phía Tây Quảng Trị phát triển thêm khoảng 1.800 - 2.700 MW các dự án điện gió và khoảng 1.200 - 1.700 MW các dự án thủy điện tích năng, hoàn thành, đưa vào vận hành đồng bộ với tiến độ đầu tư Dự án Đường dây và trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa. Ngoài ra, trong giai đoạn này, tỉnh dự kiến sẽ phát triển khoảng 80 MW các dự án điện sinh khối.

Đối với dự án điện khí và nhiệt điện, hiện nay tỉnh Quảng trị đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII các dự án: Dự án Nhà máy điện khí 340 MW do Gazprom làm chủ đầu tư và Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I - 1.500 MW do Tổ hợp nhà đầu tư (Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Tổng công ty Năng lượng Hanwha, Tổng công ty Khí Hàn Quốc, Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Dự kiến các dự án này sẽ hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2030 (tổng công suất 3.160 MW).

Như vậy, đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị có khoảng hơn 8.200 MW các dự án nguồn điện vận hành thương mại, lãnh đạo tỉnh này khẳng định.

Hiệu ứng tích cực từ EWEC

Dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các đô thị lớn, các khu kinh tế gắn với bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Trong đó, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế dọc theo trục Bắc - Nam và theo hướng Đông - Tây là những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ quy hoạch.

Tại miền Trung, hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng là một phần của EWEC thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), kết nối các địa phương phía Nam Myanmar, miền Trung của Thái Lan và Lào ra cảng biển của miền Trung Việt Nam, thúc đẩy giao lưu thương mại, du lịch, đầu tư giữa các nước, phát triển các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng.

Nhiều chuyên gia về kinh tế cùng đưa ra nhận định rằng, tính lan tỏa trên tuyến EWEC đã lôi cuốn các vùng xung quanh vào luồng phát triển chung và là “chìa khóa” để phát triển khu vực hạ lưu sông Mê Kông.

Gần đây, khi đánh giá lại các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, có ý kiến cho rằng các tỉnh miền Trung chưa khai thác hết lợi thế là tỉnh đầu cầu về phía Việt Nam nằm trên EWEC. Về tổng thể tầm nhìn quốc gia, các địa phương cần tăng cường sự hợp tác kinh tế và đầu tư phát triển về thương mại giữa các địa phương của các quốc gia trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Xét về khía cạnh thực tế, những năm gần đây, thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, chương trình về xúc tiến đầu tư, các khu kinh tế của các tỉnh, thành phố, các vùng của các nước nằm trên trục EWEC đã rất tích cực trong thông tin, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của mình để các đối tác ở trong và ngoài EWEC có cơ hội tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, từ sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và các nước Tiểu vùng Mê Kông (GMS), cùng với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA), Ngân hàng Phát triển chấu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB)... vai trò của EWEC ngày càng được khẳng định, trở thành một động lực phát triển của các tỉnh miền Trung.

“Tại vị trí điểm đầu, Quảng Trị cũng đang nghiên cứu, phát triển các tuyến cao tốc nối tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đến tỉnh Quảng Trị nhằm mở rộng thị trường, tầm tác động về đầu tư, giao thông, thương mại, du lịch trong toàn khu vực, tạo sự tương hỗ lẫn nhau giữa hai tuyến EWEC (qua Lao Bảo) và Para-EWEC (qua La Lay)”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay.

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… đều có vị trí thuận lợi, có cảng hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, đã triển khai xây dựng các khu kinh tế ven biển để hình thành các vùng động lực quốc gia.

Đơn cử như TP. Đà Nẵng đang triển khai Đề án Phát triển dịch vụ logistics TP. Đà Nẵng kết nối hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021 - 2030.

Với chức năng là đơn vị tư vấn đề án này, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) cho rằng, Đà Nẵng nằm trên những tuyến đường biển và đường hàng không quốc tế trọng yếu, có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi và là một trong những cửa ngõ hướng ra biển của EWEC. Đây là cơ hội để Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển và trung tâm logistics lớn của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, của cả nước và quốc tế.

Những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông của Đà Nẵng trong việc phát triển dịch vụ logistics xứng tầm là trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn khẳng định.

Dư địa để tạo nên hiệu ứng kinh tế trên tuyến EWEC không chỉ Quảng Trị, hay Đà Nẵng, mà một số tỉnh miền Trung trong mối liên kết tương quan khác cũng đang lựa chọn và tập trung đầu tư phát triển một số khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu gắn với các vùng động lực, hành lang kinh tế quan trọng theo các mô hình khu kinh tế mới, có mạng lưới kết cấu hạ tầng hiện đại, với cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế… tạo nêm một hiệu ứng tích cực trên trục kinh tế Đông - Tây.

Tác giả: Việt Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên hệ QC
SAM HOLDINGS
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi