Quảng Trị biến những bất lợi, khó khăn thành tiềm năng, lợi thế phát triển

Thứ sáu - 28/10/2022 04:13
Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm tạo sự bứt phá trong phát triển, Quảng Trị vẫn là vùng đất hấp dẫn, cuốn hút nhiều nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
COVER QUANG TRI
COVER QUANG TRI

LTS: Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư chiến lược. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và cả nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, khả năng xoay xở dòng tiền đầu tư cho các dự án đã đăng ký, cấp chủ trương đầu tư vào Quảng Trị gặp nhiều bất lợi nhưng với quyết tâm tạo sự bứt phá trong phát triển, Quảng Trị vẫn là mảnh đất hấp dẫn, cuốn hút nhiều nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, Quảng Trị dự báo cũng sẽ có những xung nhịp tích cực của thị trường bất động sản, khi mà một số dự án trọng điểm tiến độ thực hiện tốt, cũng như công tác quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được quan tâm. Đó là những dấu ấn đầu tiên nhằm “khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững” để hướng tới mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước” đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Để bạn đọc có được sự hình dung về bức tranh tổng thể, quan điểm, “tinh thần Quảng Trị”, “bản lĩnh Quảng Trị”, PV Reatimes đã có cuộc phỏng vấn với ông Hà Sỹ Đồng - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, về tình hình phát triển kinh tế, xã hội cũng như quan điểm chỉ đạo, điều hành của tỉnh nhằm đưa Quảng Trị thành một tỉnh khá, trở thành một trong những điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

TRUNG TÂM NĂNG LƯỢNG LÀ MỤC TIÊU HÀNG ĐẦU

- Thưa ông, Quảng Trị đang có những thuận lợi và những bước chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian gần đây, trong đó có sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược vô cùng có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể là lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã có những kế sách gì để thu hút các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược trong việc phát triển dự án lớn, dự án có tính chất đột phá?

Ông Hà Sỹ Đồng: Với quyết tâm “biến khó khăn thành lợi thế khác biệt để đột phá vươn lên”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đã chung sức, đồng lòng để tạo được sự thay đổi căn bản và thực chất trong lĩnh vực kinh tế. Trên cơ sở đánh giá đúng tiềm năng và lợi thế; định vị được vị trí của tỉnh trong mối quan hệ liên vùng, quốc gia và khu vực để nhìn nhận rõ hơn về điểm mạnh và điểm yếu, thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức để từ đó định hướng tầm nhìn chiến lược và lựa chọn các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển mang tính đột phá.

Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng miền Trung là một mục tiêu quan trọng, hàng đầu của tỉnh hiện nay. Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tập trung mọi nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu này thông qua việc đề xuất bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch, thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn sớm đưa vào vận hành, khai thác.

Tỉnh cũng đã ban hành các chính sách địa phương để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; trong đó chú trọng cải cách mạnh mẽ các thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép kinh doanh, cấp mã số thuế, đào tạo nghề để cung cấp nguồn nhân lực tốt cho các doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Trị.

BOX1 QUANG TRI

Để phát huy lợi thế về nguyên liệu đầu vào tại chỗ, tỉnh đã chỉ đạo tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch, xây dựng và phát triển vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Thực hiện tốt việc kết nối giữa các doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Trị, kết nối với các hợp tác xã, các doanh nghiệp trên địa bàn với người dân để cung ứng các nguyên liệu đầu vào một cách hợp lý, hiệu quả, lâu dài.

Chú trọng kết nối với các thị trường, các tổ chức thương mại, tham tán thương mại các đại sứ quán; tổ chức các đoàn đi trao đổi học tập để nghiên cứu những kiểu mô hình sàn giao dịch, các thị trường trong nước và quốc tế để tham gia vào chuỗi sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Quảng Trị.

LIÊN KẾT ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QUY HOẠCH

- Một trong những nhiệm vụ quan trọng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đặt ra là thực hiện quy hoạch tỉnh đến 2030 và tầm nhìn đến 2050, quan điểm định hướng chiến lược trong quy hoạch là gì, thưa ông?

Ông Hà Sỹ Đồng: Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “Có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt”, tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch để định hướng phát triển, bố trí lại lực lượng sản xuất và tạo hành lang pháp lý để thu hút đầu tư. Trong đó, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Rà soát, tích hợp các quy hoạch ngành vào quy hoạch tỉnh theo hướng bóc tách các diện tích quy hoạch đang bị trùng lắp, chồng chéo như quy hoạch trồng rừng phòng hộ, quy hoạch phát triển thủy sản, quy hoạch dự trữ khoáng sản… để có cơ sở thu hút, cấp phép đầu tư các dự án.

Bên cạnh việc lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh là liên danh các Viện nghiên cứu có chất lượng ở trong nước nhằm nâng cao chất lượng, tầm vóc đồ án quy hoạch tỉnh với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển, tạo sức hấp dẫn và lôi cuốn nhà đầu tư; kết hợp hài hòa kinh nghiệm quốc tế với điều kiện thực tế của Việt Nam; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kêu gọi, lựa chọn, hợp tác với tổ chức Singapore Cooperation Enterprise để xây dựng “Báo cáo nghiên cứu định vị kinh tế cấp cao tỉnh Quảng Trị”; hợp tác với Sakae Advisory - Surbana Jurong xây dựng “Ý tưởng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và tổ chức AVSE Global để tham gia phản biện quy hoạch tỉnh... Đây là cơ sở, tiền đề rất quan trọng góp phần đề xuất các phương án phát triển và xây dựng nội dung quy hoạch tỉnh đảm bảo chất lượng, thể hiện được nhiều ý tưởng mới, đột phá, quyết liệt và táo bạo.

Theo quy hoạch tỉnh, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là tỉnh Quảng Trị cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; có nền kinh tế phát triển hài hòa giữa bốn mục tiêu: Kinh tế - môi trường - an ninh quốc phòng - hợp tác khu vực, quốc tế; tập trung khai thác các lợi thế của tỉnh trên tuyến hành lang hạ tầng theo hướng Bắc - Nam, hành lang Đông - Tây và khai thác hợp lý dải không gian ven biển. Đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch và năng lượng tái tạo của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và cả nước; tham gia tích cực và chủ động vào các hoạt động giao thương, liên kết trên tuyến Hành lang kinh tế  Đông - Tây.

BOX2 QUANG TRI

Quy hoạch tỉnh cũng đã nêu rõ các lĩnh vực tạo đột phá phát triển của tỉnh là: Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ để tạo điều kiện phát huy các tiềm năng phát triển của tỉnh; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh năng động của khu vực Bắc Trung bộ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện chuyển đổi số.

Các ngành trọng điểm phát triển trong giai đoạn quy hoạch, đó là: xác định năng lượng tái tạo là ngành trọng điểm, với mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ đổ nát do chiến tranh tàn phá, ký ức chiến tranh - khát vọng hòa bình, phát huy lợi thế về biển đảo, sinh thái, văn hoá… và kết nối liên vùng trong hệ thống du lịch di sản miền Trung, cùng các hành lang kinh tế quốc gia, quốc tế; xây dựng kết cấu hạ tầng logistic đồng bộ với hệ thống giao thông, trong đó trọng tâm là các trung tâm logistics tại khu vực Hải Lăng, Gio Linh, Cam Lộ và Lao Bảo; phát triển công nghiệp chế biến với công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ để tạo ra giá trị lớn hơn trên quỹ đất hạn chế, với nhiều sản phẩm đặc sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng,…

quang tri 1
Một không gian xanh, sinh thái quý hiếm trong lòng đô thị Đông Hà (Ảnh: M.Đ.T)

- Được biết tỉnh đang quy hoạch khu vực trung tâm, trong đó lấy trục đô thị xung quanh sông Hiếu. Ông có thể cho biết đôi nét về điểm nhấn và tầm quan trọng của sông Hiếu như thế nào với sự phát triển đô thị của tỉnh trong tương lai?

Ông Hà Sỹ Đồng: TP. Đông Hà có con sông Hiếu chảy qua giữa thành phố. Vì thế trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh tiếp tục định hướng phát triển theo hướng lấy sông Hiếu làm trục trung tâm, tạo điểm nhấn quy hoạch đô thị để vừa tạo không gian phát triển hài hòa, cân đối; đẩy mạnh khai thác quỹ đất, hình thành các khu đô thị đẹp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; gắn với phát triển không gian sinh thái xanh góp phần xây dựng Đông Hà trở thành đô thị thông minh và đạt tiêu chí đô thị loại hai. Với việc đầu tư xây dựng hệ thống kè, cây xanh, công viên sẽ phát huy những tiềm năng lợi thế của dòng sông Hiếu, thúc đẩy phát triển đô thị thương mại, du lịch và dịch vụ. 
 

quang tri 2
Xây dựng và quy hoạch lấy sông Hiếu là trục cảnh quan, tỉnh Quảng Trị đang tạo ra quỹ đất, thu hút dân cư và tăng giá trị bất động sản ven sông Hiếu

- Trong chiến lược đưa Quảng Trị thành các trung tâm năng lượng của miền Trung cũng như của cả nước thì rõ ràng tỉnh có rất nhiều tiềm năng, lợi thế. Sắp tới, tiềm năng đó sẽ được khai thác như thế nào để vùng đất Quảng Trị trở thành một trung tâm năng lượng như kỳ vọng của Trung ương?

Ông Hà Sỹ Đồng: Để tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Trị có bước phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, Chương trình hành động số 15-CT/TU ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Tỉnh uỷ Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu xây dựng “Tỉnh Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng Khu vực miền Trung”.

Khát vọng này đã nhận được sự ủng hộ rất cao của Chính phủ tại Thông báo số 17/TB-VPCP ngày 25/01/2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đề nghị bổ sung Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Tiếp tục, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương đưa vào quy hoạch nhiều dự án năng lượng quan trọng trên địa bàn. Tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch 31 dự án điện gió với tổng công suất 1.177,2MW; 03 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 149,5MWp (tương đương 127MW); 01 dự án nhà máy nhiệt điện than với công suất 1.320MW (hiện nay đã dừng thực hiện), 02 dự án điện khí với tổng công suất 1.840MW và 18 dự án thủy điện (bao gồm cả dự án Thuỷ lợi - Thủy điện Quảng Trị, công suất 64MW) với tổng công suất 260,5MW.

quang tri 9
Khu đô thị Bắc Thành cổ Quảng Trị - Thành Cổ Riverside được xem là một trong năm dự án bất động sản nổi bật ở Quảng Trị (Ảnh: M.Đ.T)

Trong năm 2021, đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1MW; 03 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5MW đã đưa vào vận hành thương mại. Tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 965,6MW (chưa bao gồm hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 100MW). Trong năm 2022, tỉnh Quảng Trị phấn đấu có khoảng thêm 102,3MW điện gió sẽ đưa vào vận hành thương mại, trong đó: có 72,3MW đã hoàn thành công tác thi công, 30MW còn lại dự kiến hoàn thành trong Quý III/2022). Bên cạnh đó, tỉnh còn 394MW điện gió và 93MW thủy điện nhỏ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án này dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành trong giai đoạn 2023-2025.

Hiện nay, tỉnh cũng đang tích cực làm việc với các cấp bộ, ngành trung ương để đưa các dự án năng lượng của tỉnh vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) làm cơ sở kêu gọi, triển khai đầu tư. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, tỉnh Quảng Trị có dự án TBA 500KV Hướng Hóa và đường dây 500kV Quảng Trị - Hướng Hóa với quy mô công suất đến năm 2030 là 2.700MVA. Đây là điều kiện thuận lợi để khu vực phía Tây Quảng Trị phát triển thêm khoảng 1.800 - 2.700MW các dự án điện gió và khoảng 1.200 - 1.700MW các dự án thủy điện tích năng, hoàn thành, đưa vào vận hành đồng bộ với tiến độ đầu tư Dự án đường dây và trạm biến áp 500KV Hướng Hóa. Ngoài ra, trong giai đoạn này, tỉnh dự kiến sẽ phát triển khoảng 80MW các dự án điện sinh khối.

Đối với các dự án điện khí và nhiệt điện, hiện nay tỉnh đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII các dự án:  Dự án Nhà máy điện khí 340MW do Gazprom làm chủ đầu tư và Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 - 1.500MW do Tổ hợp nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Tổng Công ty Năng lượng Hanwha, Tổng Công ty khí Hàn Quốc, Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Dự kiến các dự án này sẽ hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2030 (tổng công suất 3.160MW). Như vậy, đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị có khoảng hơn 8.200MW các dự án nguồn điện vận hành thương mại.

HÀI HÒA GIỮA BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

- Với quyết tâm chính trị cùng với nhiều thuận lợi như vậy thì vẫn có những thách thức cho Quảng Trị là làm sao vừa hình thành, phát triển trung tâm năng lượng, vừa phải bảo vệ môi trường và theo đuổi mục đích tăng trưởng xanh, như xu thế chung của toàn cầu. Vậy Quảng Trị sẽ làm gì để đảm bảo mục đích ấy, thưa ông?

Ông Hà Sỹ Đồng: Quảng Trị cũng ý thức Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ đã tham gia ký kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) trong phát triển năng lượng cũng như phát triển năng lượng xanh.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay thì đang còn khủng hoảng về năng lượng do chiến tranh xung đột giữa Nga và Ukraine. Quảng Trị chúng tôi cũng tranh thủ biến những khó khăn, thách thức thành những thuận lợi để lựa chọn, tìm một hướng đi khác với các địa phương khác. Chẳng hạn như phát triển về điện gió thì rất thân thiện với môi trường. Hay phát triển về điện khí thì chúng tôi lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực với những kinh nghiệm, công nghệ hiện đại để tiến đến 0 với carbon và kẽm. Chúng tôi cũng hạn chế các dự án trước đây đã quy hoạch như dự án Egati của doanh nghiệp Thái Lan đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hơn 1200MW. Hiện nay thì tỉnh đã đàm phán với nhà đầu tư và cũng đã tạm dừng dự án này. Làm sao để có sự phát triển hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới. 

- Các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư có năng lực, có tâm đến với Quảng Trị rõ ràng đã kéo theo sự phát triển sôi động thị trường bất động sản tỉnh nhà. Thời gian từ năm 2021 đến nay là một ví dụ. Tuy nhiên cũng đã xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản, kéo theo nhiều hệ lụy về dân sinh, kinh tế và ổn định xã hội. Bản thân ông cũng từng chỉ đạo trực tiếp sở ngành, cơ quan chức năng tỉnh quản lý chặt chẽ, có biện pháp bình ổn thị trường bất động sản. Ông có những đánh giá, dự báo và chỉ đạo nào đối với việc quản lý, phát triển thị trường bất động sản tỉnh nhà thời gian tới?

Ông Hà Sỹ Đồng: Năm qua 2020 - 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu đã bị ngưng trệ, không tiếp cận được các nguồn vốn, nên nhà đầu tư về chứng khoán, bất động sản đã tranh thủ các nguồn vốn nhàn rỗi, những dòng “tiền lỏng, tiền rẻ” để đầu tư vào bất động sản và chứng khoán. Từ năm 2021 đến đầu năm 2022 tạo ra các bong bóng bất động sản. Tỉnh Quảng Trị là địa phương nhỏ, tình hình bất động sản phát triển chưa mạnh nhưng cũng cuốn hút theo tình hình, xu thế chung của cả nước. Cho nên nếu giá đất tăng thì đời sống thu nhập của người dân sẽ tăng theo.

Tuy nhiên, nó phải tăng hài hòa, tăng đồng đều, có tính bền vững. Tình hình bong bóng như vừa qua thì chúng tôi đã có những văn bản chỉ đạo, cũng như rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh tránh những đầu cơ về bất động sản không lành mạnh; đồn thổi về giá cả, về quy hoạch để chạy theo bất động sản làm “náo loạn” thị trường bất động sản, nên chúng tôi đã chấn chỉnh, rà soát, bình ổn thị trường bất động sản.

quang tri 7
Dự án Vincom Shophouse Royal Park hơn 13ha thuộc Khu đô thị Thương mại – dịch vụ Nam Đông Hà hứa hẹn tạo điểm nhấn đô thị, góp phần xây dựng Đông Hà văn minh, hiện đại (Ảnh: M.Đ.T)

Trong giai đoạn tiếp theo, nếu Nhà nước, Chính phủ nới “room” tín dụng loại hình đầu tư này thì chắc chắn thị trường bất động sản sẽ trở lại sôi động và có thể có tính hấp dẫn hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Với Quảng Trị, chúng tôi sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, thường xuyên nắm bắt các chủ trương, chính sách, thị trường trong cả nước cũng như tỉnh bạn để điều tiết nền kinh tế bền vững, trong đó quan tâm để ổn định tình hình kinh doanh đầu tư bất động sản trên địa bàn ổn định, tránh tình trạng đồn thổi ảnh hưởng môi trường đầu tư trên địa bàn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả: Đình Toàn
Thiết kế: Thế Công

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 1.1 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên hệ QC
SAM HOLDINGS
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi