Xây dựng mô hình Khu thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavanh: Từ ý tưởng đến hiện thực

Thứ năm - 14/12/2023 04:18
Ngày 22/11/2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 169/QĐ-KKT về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Tư vấn lập đề án “Xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan”, theo đó Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch & Đầu tư là nhà thầu được lựa chọn thực hiện gói thầu này.
Thông qua việc xây dựng đề án, tỉnh Quảng Trị mong muốn Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung, nhằm phát huy những ưu thế trên hệ thống đường bộ kết nối giữa Việt Nam và Lào và các ưu đãi đầu tư, các chính sách thông thương đặc biệt của hai nhà nước (Việt Nam và Lào) dự kiến được đề xuất thực hiện tại 2 khu kinh tế (Khu Kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo - Việt Nam và Khu Thương mại biên giới Densavanh – Lào), tạo nên một động lực lớn cho thu hút đầu tư, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Trị.
 
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (Khu KTTMĐB Lao Bảo), tiền thân là Khu Thương mại Lao Bảo, được thành lập vào ngày 12/11/1998 bằng Quyết định số 219/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị (Khu Thương mại Lao Bảo), sau đó là Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg ngày 12/01/2005 ban hành Quy chế Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, nhằm áp dụng những cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù riêng có, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Khu KTTMĐB Lao Bảo (Việt Nam) cũng như Khu Thương mại biên giới Densavanh (Lào), được hình thành xuất phát từ lợi thế của khu vực, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước, chủ trương của hai Bộ Chính trị cũng như sự quyết tâm của hai Chính phủ Việt Nam và Lào trong việc lựa chọn và thiết lập một khu vực chung, cho phép áp dụng thí điểm những chính sách đặc thù.
Khu KTTMĐB Lao Bảo có tổng diện tích 15.804 ha, bao gồm 5 xã và 2 thị trấn dọc Quốc lộ 9 thuộc huyện Hướng Hóa. Đây là mô hình kinh tế tổng hợp, vừa mang tính chất như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu và là “khu phi thuế quan đặc biệt”, được áp dụng cơ chế, chính sách thí điểm với mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Trải qua gần 25 năm xây dựng phát triển, Khu KTTMĐB Lao Bảo thu hút trên 880 tỷ đồng đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng bằng nguồn ngân sách Nhà nước, với gần 50 công trình; Thu hút gần 3.700 tỷ đồng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh với gần 60 dự án. Với các chính sách ưu đãi đặc biệt, Khu KTTMĐB Lao Bảo đã có những đổi thay mạnh mẽ, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ gồm hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước mặt... Hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội cũng được đầu tư phát triển mạnh với các cơ sở vật chất có chất lượng cao về giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, truyền thông và văn hóa cộng đồng, khu dân cư. Hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ công cộng như bưu điện, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... đã lần lượt được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đời sống dân sinh tại khu vực. Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, người và phương tiện xuất nhập cảnh ra vào Khu KTTMĐB Lao Bảo ngày càng tăng, thúc đẩy hoạt động giao thương trên EWEC qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và lan tỏa đến các địa phương khác trong tỉnh, trong nước cũng như quốc tế.

 
Trung tâm Thương mại Lao Bảo

Khu KTTMĐB Lao Bảo và Khu thương mại biên giới Densavanh là thành quả hợp tác kinh tế xuất phát từ ý tưởng của Bộ Chính trị hai nước Việt Nam-Lào, sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, hai khu kinh tế đã góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực hai bên biên giới, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn có những hạn chế bất cập cần được tháo gỡ về cơ chế chính sách để tiếp tục tạo động lực cho khu vực Lao Bảo - Densavanh phát triển phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu. Những đổi thay về tình hình địa chính trị, kinh tế thế giới cũng như khu vực trong thời đại ngày nay, đã có những tác động không nhỏ đến điều kiện phát triển của Khu KTTMĐB Lao Bảo, nhất là khi các chính sách cơ chế đặc biệt không còn được áp dụng. Để phát huy những thành quả đã đạt được trong đầu tư của hơn 25 năm qua, và những tiềm năng, triển vọng của Khu KTTMĐB Lao Bảo gắn với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), cần phải có những thay đổi có tính động lực mới cho Khu KTTMĐB Lao Bảo phát triển.
Ngày 03/11/2022, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC). Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên EWEC”. Với lợi thế của tỉnh Quảng Trị nằm ở cửa ngõ của EWEC về phía Việt Nam, đồng thời khu vực Lao Bảo - Densavanh rất lợi thế về mặt bằng xây dựng hệ thống kho bãi, phát triển dịch vụ logistics, đang có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực vận tải, logistics. Hiện nay, trên tuyến biên giới đường bộ Việt Nam và Lào chỉ duy nhất ở khu vực cửa khẩu Lao Bảo - Densavanh đã thành lập 2 khu kinh tế (Khu KTTMĐB Lao Bảo (Việt Nam) và Khu thương mại biên giới Densavanh (Lào) đối xứng nhau. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet đề xuất hai chính phủ cho phép thí điểm xây dựng Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavanh, sẽ mở ra nhiều triển vọng hợp tác ở nhiều lĩnh vực giữa hai nước Việt Nam - Lào.

 
Điện gió ở Hướng Hóa

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp tỉnh Quảng Trị xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavanh trình Chính phủ. Để triển khai thực hiện, ngày 01/4/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị có Quyết định 626-QĐ/TU thành lập Tổ công tác 626 phối hợp với hai tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào) để nghiên cứu các cơ chế, chính sách hợp tác kinh tế xã hội đặc thù của tỉnh Quảng Trị phối hợp với 2 tỉnh Salavan, Savannakhet (Lào) trong đó có nội dung xây dựng Đề án “Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan”.
Dự thảo Đề án xây dựng Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavanh dự kiến vận hành theo mô hình “Hai nước một khu kinh tế”, có chung cơ chế, chính sách và quản lý vận hành; có các chính sách ưu đãi đặc biệt với nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng sự độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Trên cơ sở tuân thủ các yêu cầu pháp lý của cả hai bên và thông lệ quốc tế, Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavanh sẽ thống nhất trong một quy hoạch khu vực chung, tổ chức và vận hành chung, xây dựng hạ tầng chung trong khu trung tâm và các cơ sở hạ tầng kết nối trong và ngoài khu trung tâm; tạo thuận lợi cho kết nối vận tải, logistics xuyên biên giới; thiết lập và triển khai cơ chế “ba trong một” (đó là ba đồng: đồng chính sách, đồng quy tắc, đồng tiêu chuẩn và một chung là chung một khu), áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất mà chính phủ Việt Nam và Lào đang áp dụng tại các khu kinh tế, thương mại hai nước. Các cơ chế chính sách đặc biệt mới, hấp dẫn về đầu tư, các giải pháp “phi thuế quan” của hai nhà nước sẽ khắc phục các rào cản,  tạo thuận lợi về lao động, thủ tục đầu tư, vay vốn… cho các dự án đầu tư, thu hút các DN trong nước và nước ngoài đầu tư vào Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavanh.
Để tạo tiền đề và chuẩn bị cho sự hình thành và phát triển Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavanh, về phía Việt Nam, tỉnh Quảng Trị đã và đang nỗ lực trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tiếp nối từ khu vực đồng bằng lên Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo hình thức PPP gắn với việc mở rộng và khai thác khu vực cửa khẩu Lao Bảo -Densavanh đi EU, Hoa Kỳ và hàng hóa từ khu phi thuế quan các nước vào các khu phi thuế quan tại Lao Bảo-Densavanh đẫ được UBND tỉnh chấp thuận giao Tập đoàn Sơn Hải đang nghiên cứu đầu tư; Làm việc và đề xuất Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tiếp tục tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí để nâng cấp Quốc lộ 9 giai đoạn 3, tạo thêm 2 làn đường để các loại phương tiện tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Đồng thời, xem xét phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ vốn để xây dựng tuyến đường sắt Đông Hà - Lao Bảo kết nối với tuyến đường sắt Densavanh - Savannakhet phía bạn Lào, hình thành tuyến đường sắt trên EWEC. Đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, chợ biên giới, dịch vụ hậu cần logistics, xây dựng khu vực tập kết, trung chuyển hàng hóa Việt Nam xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của các nước trên EWEC qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo -Densavanh.
Hiện nay, đã có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế đến nghiên cứu đầu tư tại khu vực Lao Bảo và Densavanh, trong đó có tập đoàn Sakae Holdings (Singapore) khảo sát thực tế Khu thương mại biên giới Densavanh để chuẩn bị cho việc phối hợp khảo sát, điều chỉnh quy hoạch và xúc tiến các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore trong thời gian tới; Ngoài ra còn có các doanh nghiệp Tập đoàn T&T, Tập đoàn Sơn Hải, Tập đoàn Phonsack-Lào… đã đến khảo sát đề xuất dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, kho bãi hàng hóa chuyên dùng, khu kho bãi phục vụ kiểm hóa, tập kết phương tiện, hàng hóa tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavanh. Một số DN của Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng nhà máy chế biến viên nén năng lượng, may xuất khẩu tại Khu thương mại biên giới Densavanh để sử dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ hoặc được hưởng ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ từ Lào.
Với Đề án xây dựng Khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Densavanh được triển khai sẽ là một động lực lớn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị, đồng thời hy vọng từ việc thí điểm triển khai Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung sẽ có được mô hình để nghiên cứu nhân rộng trên các tuyến biên giới của Việt Nam với các nước Lào, Cămpuchia…ở các địa phương hai nước có các cặp cửa khẩu đường bộ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, quốc gia cũng như thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào.

Tác giả: Lê Minh Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên hệ QC
SAM HOLDINGS
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi