Thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp Cam Thành, huyện Cam Lộ-Ảnh: N.T.H
Thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, huyện Cam Lộ tập trung ba khâu đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực nhằm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; triển khai việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Kết quả thể hiện rõ nét nhất là việc chỉ đạo, điều hành, gửi nhận văn bản điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của huyện; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các thủ tục hành chính, các chính sách liên quan đến mặt bằng, thuế… nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Chú trọng đầu tư trang thiết bị, thực hiện công khai các thủ tục hành chính; thường xuyên rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận thủ tục hành chính.
Tăng cường công tác kiểm tra công vụ, chấn chỉnh thời gian, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền các cấp.
Đối với hạ tầng công nghệ thông tin, hiện nay tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và hoạt động. Huyện Cam Lộ đã hoàn thành Trung tâm điều hành thông minh (IOC), hoàn thiện thể chế phục vụ và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Hằng năm, tỉ lệ trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng và trước hạn đạt cao, trên 95%; tỉ lệ số hóa hồ sơ, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cấp huyện đạt trên 80%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ hồ sơ dịch vụ công toàn huyện mức độ 3 đạt 98,5%, mức độ 4 đạt 97,3%; tỉ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 42,8%, vượt chỉ tiêu theo quy định (30%).
Để khuyến khích, thu hút đầu tư vào địa bàn, huyện Cam Lộ đã triển khai nhiều đồ án quy hoạch phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ, dịch vụ - logistics, các khu dân cư, đô thị tại các vị trí giao thông thuận lợi như: tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, trục Hành lang kinh tế Đông - Tây, Quốc lộ 1…
Công tác quy hoạch được tỉnh đánh giá năng động, tích cực và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quan tâm đến tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư trên địa bàn.
Bên cạnh đó, địa phương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư các thủ tục liên quan cấp phép đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh… và các thủ tục liên quan đến đầu tư.
6 tháng đầu năm 2023, đã thu hút được 6 dự án đăng ký đầu tư, nâng tổng số dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn lên 57 dự án với tổng số vốn đăng ký 2.160 tỉ đồng; trong đó, có 31 dự án đã đi vào hoạt động, tổng số vốn thực hiện khoảng 1.226 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động.
Các chương trình khuyến công hằng năm đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Toàn huyện hiện có 644 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tăng 96 cơ sở so với năm 2021. Hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ đã khai thác được lợi thế về giao thương trên địa bàn; doanh thu thương mại - dịch vụ hằng năm đạt cao, từ 2.869 tỉ đồng năm 2021 lên 3.646 tỉ đồng năm 2022.
Các loại hình dịch vụ như: vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, vật liệu xây dựng, cung ứng vật tư nông nghiệp... dần được phục hồi và phát triển mạnh trở lại sau COVID-19, phục vụ tốt nhu cầu trao đổi, tiêu thụ hàng hoá của Nhân dân, nhất là tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Cùng với cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp đã được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, mặt bằng quỹ đất sạch, giao thông kết nối thuận lợi, thời gian tới huyện Cam Lộ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh dựa trên ba trụ cột về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, góp phần gia tăng cơ hội thu hút đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trong đó, tạo được sự chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được địa phương coi đó là nhiệm vụ xuyên suốt, là “chìa khóa” để tiến đến mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững.
Nguồn tin: baoquangtri.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn