Tìm giải pháp xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn

Thứ hai - 18/03/2024 23:42
Chiều 15/3, tại thị trấn biên giới Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị phối hợp tỉnh Savannakhet của Lào tổ chức hội thảo “Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn: Từ ý tưởng đến hiện thực”.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
 

Đến dự có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, lãnh đạo của tỉnh Quảng Trị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo các tỉnh Savannakhet, Salavan, Tổng Lãnh sự Lào tại Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo tỉnh Mukdahan, Thái Lan. Cùng dự có gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước,...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, hội thảo hôm nay nhằm giới thiệu nội dung Đề án, đặc biệt là các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội dự kiến áp dụng tại Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung để lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, nhất là ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Lào để tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet tiếp tục hoàn thiện Đề án và dự thảo nội dung Hiệp định giữa hai Chính phủ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào và các bộ, ngành của hai nước với mong muốn khi Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung đi vào vận hành sẽ có tính khả thi cao, phù hợp tình hình thực tiễn và mối quan hệ Việt Nam-Lào trong bối cảnh mới và thực sự có sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh tại khu vực nhiều tiềm năng này.
 

Tìm giải pháp xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn ảnh 1
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng khai mạc hội thảo


25 năm trước, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quyết định cho tỉnh Quảng Trị thành lập Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo được áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới Lao Bảo (Việt Nam)-Đensavẳn (Lào).

Sự ra đời khu này từng bước hình thành nên diện mạo đô thị vùng biên giới, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Trị cũng như hành lang kinh tế đông-tây về phía Việt Nam.

Như vậy, Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo (Việt Nam) cũng như Khu Thương mại biên giới Đensavẳn (Lào) được hình thành xuất phát từ lợi thế của khu vực, chủ trương của hai Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào từ năm 1997, đó là xây dựng “Khu vực Thương mại tự do Lao Bảo-Đensavẳn”.

Tuy nhiên đến nay, do nhiều nguyên nhân, khu này chưa phát triển được như kỳ vọng, có những hạn chế bất cập về cơ chế chính sách cần được tháo gỡ, tạo động lực mới để phát triển phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra chủ trương: “Đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với hành lang kinh tế đông-tây. Nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên hành lang kinh tế đông-tây”.

Tiếp đó, tại Thỏa thuận về “Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào năm 2023”, ký ngày 12/1/2023 tại Viêng Chăn, đã đưa nội dung thí điểm mô hình Khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên hành lang kinh tế đông-tây vào văn kiện ký kết giữa hai Thủ tướng.

Thực hiện chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai nước, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp tỉnh Savannakhet của Lào xây dựng Đề án thí điểm “Xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo- Đensavẳn” để tham mưu cho các bộ, ngành trung ương và Chính phủ hai nước triển khai thực hiện chủ trương quan trọng này.

Về phần mình, ông Sen-xắc Su-ly-xắc, Phó tỉnh Trưởng tỉnh Savannakhet (Lào) cho biết, đối với việc thành lập Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Đensavẳn-Lao Bảo, tỉnh Savannakhet nhận thấy tầm quan trọng của sự thống nhất cao trong quá trình thành lập và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để khu kinh tế nói trên chính thức được thành lập, trở thành biểu tượng của sự hợp tác giữa hai nước Lào-Việt Nam, tăng cường và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị tỉnh Savannakhet và tỉnh Quảng Trị, khuyến khích và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội ngày càng được tốt hơn.
 

Tìm giải pháp xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn ảnh 3
Toàn cảnh khu vực hai tỉnh dự định xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo-Đensavẳn.
 

Tham luận của TS Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội thảo cho rằng, việc nghiên cứu xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung này là nhiệm vụ rất mới, rất khó, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh Quảng Trị, tỉnh Savannakhet, các bộ, ngành và Chính phủ hai bên.

Việc triển khai mô hình thí điểm hợp tác kinh tế như Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn đòi hỏi phải xây dựng khung pháp lý đặc thù như Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào.

Tuy nhiên, xây dựng khu này là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách trong bối cảnh mới hiện nay và nếu thực hiện thành công, sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy kết nối và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Lào; đồng thời đóng góp thiết thực cho việc hình thành mô hình khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới của khu vực và thế giới.

PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ rõ. Rất cần có cách tiếp cận và tầm giải pháp mới để giải quyết vấn đề này. Cần định hình rõ nội hàm, cấu trúc logic và cơ chế vận hành trong mối quan hệ với bối cảnh và điều kiện phát triển mới. Xác lập một cam kết phát triển của nhà nước với xã hội rõ ràng, đáng tin cậy và khả thi. Đây là nền tảng để xây dựng chiến lược hành động, xác định hệ giải pháp xây dựng và phát triển khu này.

“Để đạt mục tiêu đó cần thực hiện một số nguyên tắc, chiến lược hành động phải bảo đảm sự cân đối, tương xứng. Cần xây dựng một chương trình phát triển khu mang tính tổng thể, trong đó bao gồm cả các dự án phát triển, các tọa độ ưu tiên chiến lược khác như sân bay Quảng Trị, cảng biển Mỹ Thủy, đô thị Đông Hà cũng các tuyến giao thông kết nối. Không có những yếu tố này, khó đảm bảo sự thành công đúng nghĩa của Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới”, ông Thiên chia sẻ.

Hội thảo đã tiếp nhận 15 bài tham luận của đại diện lãnh đạo bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị 2 tỉnh; các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các tham luận tập trung đề cập cơ sở lý luận và thực tiễn, tính khả thi và hiệu quả của việc hình thành Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung; các chính sách, cơ chế, giải pháp xây dựng khu này nhằm tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam-Lào.

Các giải pháp huy động nguồn vốn, tập trung đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu hai nước để phát triển dịch vụ logistics và khu công nghiệp, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội tại khu này.

Tìm giải pháp xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn ảnh 4
Các đại biểu khảo sát thực địa hiện trạng khu vực đề xuất hình thành Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo-Đensavẳn.

 
Trước đó buổi sáng cùng ngày đã diễn ra phiên khảo sát thực địa và Hội nghị giới thiệu Đề án Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Đensavẳn, tham vấn ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nguồn tin: nhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên hệ QC
SAM HOLDINGS
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi