Tham gia các sự kiện có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào Pany Yathotou; Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena; lãnh đạo tỉnh Champasak và các tỉnh của Lào; lãnh đạo các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức và các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế.
Lễ hội cà phê - trà và nông sản khu vực cao nguyên Bolaven thường niên 2023 khai mạc vào ngày 2/2 là sự kiện do tỉnh Champasak phối hợp với Hiệp hội Cà phê Lào tổ chức tại huyện Paksong thuộc cao nguyên Bolaven. Đây là khu vực cao nguyên nổi tiếng của Lào với khí hậu mát mẻ quanh năm, thích hợp cho việc phát triển các cây trồng chủ lực, trong đó có cà phê, trà chất lượng cao, hương vị đặc biệt. Sự kiện này thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, du lịch.
Khai mạc vào chiều ngày 3/2, Lễ hội truyền thống đền Wat Phou năm 2023 được tỉnh Champasak tổ chức vào dịp rằm tháng Ba Phật lịch hàng năm, thu hút hàng vạn người dân địa phương và du khách quốc tế tham dự. Được xây dựng từ thế kỷ thứ 5, Wat Phou là đền thờ lâu đời nhất ở Lào và đã được UNESCO xếp hạng là di sản thế giới vào năm 2001, là điểm du lịch kết nối các điểm du lịch thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và làng nghề của tỉnh Champasak.
Sau 3 năm gián đoạn hoặc chỉ tổ chức ở quy mô nhỏ do đại dịch COVID-19, năm nay lễ hội Wat Phou đã được tổ chức trở lại với quy mô lớn nhằm thúc đẩy du lịch Champasak phục hồi, phát triển.
Tại Hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh Champasak, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đã có bài phát biểu đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Champasak trong việc phát huy thế mạnh về văn hóa kết hợp các yếu tố về thiên nhiên, đất đai, cây trồng. Trong đó hướng đến hai dòng sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cà phê Robusta trên cao nguyên Boloven và trà vùng Paksong để xúc tiến đầu tư, thương mại, phát triển kinh tế vùng và địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cũng khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của hội nghị đối với các địa phương của Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Trị trong việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư tại Champasak. Là dịp để các bên gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư và bàn giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh, mở rộng không gian liên kết vùng để cùng nhau đồng hành, phát triển trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu các cơ hội đầu tư tại Quảng Trị hoặc liên kết với các doanh nghiệp Quảng Trị trong lĩnh vực nông nghiệp, được tỉnh xem là ưu tiên, bệ đỡ trong phát triển kinh tế. Đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư với các tỉnh Nam Lào nói chung, tỉnh Champasak nói riêng.
Các nội dung tỉnh Quảng Trị đề xuất được các đại biểu tham dự hội nghị đồng tình, đánh giá cao.
Bên lề các sự kiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đã có các cuộc tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo tỉnh Champasak để trao đổi, thảo luận việc xây dựng kế hoạch cụ thể hóa, triển khai Biên bản hợp tác khung về thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 tỉnh Quảng Trị và Champasak được Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng và Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak Vilayvong Boutdakham ký kết vào ngày 11/1/2023 tại thủ đô Viêng Chăn trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Lào.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cũng tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh Ubon Rathchanthani và Hiệp hội Thương mại tỉnh Ubon Rathchanthani (Thái Lan) để trao đổi về nội dung Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác giữa 2 tỉnh dự kiến sẽ được ký kết vào quý II/2023.
Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đã thăm, chào xã giao Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse để thông tin, trao đổi, thúc đẩy hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh Nam Lào. Trọng tâm là thúc đẩy Hành lang kinh tế Đông Tây song song (Para-EWEC) đang trong quá trình nghiên cứu, hình thành để kết nối tỉnh Quảng Trị với tỉnh Salavan, Champasak (Lào) và tỉnh Ubon Rathchanthani thuộc khu vực Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế La Lay, góp phần phát huy và khai thác tiềm năng liên vùng để phát triển KT - XH của từng địa phương, quốc gia và khu vực.
Tác giả: Nguyễn Đức Tân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn