Quảng Trị: Quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Thứ ba - 02/07/2024 21:30
Được sự đồng ý của Chính phủ tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 05/01/2024 về dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam cắt qua đường biên giới Việt Nam – Lào, ngày 28/6/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 1568/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư Công ty TNHH Nam Tiến có trụ sở tại số 3/1, đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên để thực hiện đầu tư dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Thời hạn hoạt động của dự án là 30 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Cửa khẩu quốc tế La Lay
 
Theo Quyết định số 1568/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư dự án 1.489,27 tỷ đồng, trong đó vốn của nhà đầu tư là 297,85 tỷ đồng, nguồn vốn còn lại 1.191,42 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động từ vốn vây ngân hàng thương mại và các nguồn huy động vốn hợp pháp khác. Theo báo cáo đầu tư dự án, tuyến băng tải vận chuyển than có tổng chiều dài 6.115m kết nối vào đoạn băng tải thuộc phạm vi nước bạn Lào, đi qua đường biên giới Việt Nam - Lào. Dự án đầu tư đầy đủ hoàn thiện hệ thống, dây chuyền công nghệ từ khâu tiếp nhận than tại vị trí: Điểm đầu tuyến tại đường biên giới Việt Nam – Lào, đến trạm chuyển tải TKB2 (phía Việt Nam), điểm cuối tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Việt Nam (thôn A Đeng, xã ANgo, huyện Đakrông); dự án gồm 02 tuyến băng tải công suất mỗi băng là 1.500 tấn/h nằm song song trên hệ thống cột, dàn, cầu đỡ chung, chạy song song và liên kề nhau và được đầu tư theo 02 giai đoạn (mỗi giai đoạn 01 dây chuyền băng tải với công suất 15 triệu tấn/năm), công suất hàng hóa lưu thông sau khi hoàn thành toàn bộ dự án khoảng 30 triệu tấn/năm. Băng tải thiết kế trên cao đặt trên các trụ đỡ, khoảng cách các trụ đỡ điển hình 24-25m. Một số vị trí đặc biệt tại điểm giao cắt đường biên giới có khẩu độ 100m, vị trí vượt qua địa hình khó khăn 50m, kết cấu trụ đỡ và cầu dàn bằng tải bằng thép hình. Chiều cao trụ đỡ từ 5-20m tùy thuộc vào địa hình. Móng đơn bê tông cốt thép sử dụng cho các các nhịp dàn 24-25m. Riêng các dàn vượt nhịp lớn 50m và 100m sử dụng móng cọc khoan nhồi. Toàn tuyến có chiều dài 6.115m được chia thành 07 đoạn và 07 trạm chuyển tải và các công trình phục vụ gồm các trạm chuyển tải, trạm biến áp và đường dây; hệ thống cung cấp điện, điều khiển; hệ thống cung cấp nước; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống kiểm soát người và hàng hóa thẩm lậu; hệ thống PCCC; hệ thống camera giám sát..., diện tích đất sử dụng là 23,82 ha, xây dựng tại xã ANgo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Sản phẩm của dự án là hệ thống vận chuyển hàng hóa được cấu thành từ các bộ phận cơ khí và các động cơ, thiết bị điện điều khiển. Đối với các máy móc thiết bị nhập khẩu là các thiết bị thông thường, sử dụng phổ biến ở trong nước và nước ngoài cho ngành công nghiệp khai thác và chế biến than như: Các loại động cơ băng tải, con lăn, dây băng, pulley, máy sàng và các thiết bị điện khác.
 
Dây chuyền băng tải vận chuyển than (ảnh minh họa – Internet)
 
Phân kỳ đầu tư dự án chia làm 02 giai đoạn: Giai đoạn 1, dự kiến đầu tư năm 2024,  đầu tư tuyến băng tải số 1 có tổng năng suất vận chuyển 3.000 tấn/h (tương đương 15 triệu tấn/năm); chiều dài dự kiến 6.115m. Các công trình phục vụ gồm các trạm chuyển tải, trạm biến áp và đường dây; hệ thống cung cấp điện, điều khiển; hệ thống cung cấp nước; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống kiểm soát người và hàng hóa thẩm lậu; hệ thống PCCC; hệ thống camera giám sát,... Giai đoạn 2 (dự kiến đầu tư năm 2030): đầu tư tuyến băng tải số 2 có tổng năng suất vận chuyển 3.000 tấn/h (tương đương 15 triệu tấn/năm), chạy song song và sát với tuyến băng tải giai đoạn 1; chiều dài 6.115m, các hạng mục công trình xây dựng tương tự dây chuyền băng tải số 01.
Theo kế hoạch, Quý I/2027 hoàn thành đưa vào hoạt động dây chuyền băng tải số 01 với công suất 15 triệu tấn/năm; Quý IV/2031 sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động dây chuyền băng tải số 02 với công suất 15 triệu tấn/năm, đảm bảo đủ tổng công suất dự án là 30 triệu tấn/năm.
Dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam của Công ty TNHH Nam Tiến là dự án đầu tư mới thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên được hưởng các chính sách về ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất, ưu đãi về thuế xuất, nhập khẩu và ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Ngoài ra, dự án còn được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác của Chính phủ và địa phương, ưu đãi theo ngành, lĩnh vực khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp chính sách pháp luật thay đổi, việc kế thừa, áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án được bảo đảm thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ
Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Công ty TNHH Nam Tiến tiếp thu ý kiến các Sở ban ngành liên quan để thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính theo quy định và triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ và nội dung đã cam kết; Có trách nhiệm thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, quy mô và các nội dung quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, tuân thủ các quy định của Pháp luật hiện hành: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Biên giới quốc gia, Luật Hải quan, Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Lâm nghiệp; Luật Thuế và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của dự án.
Đồng thời UBND tỉnh Quảng Trị giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ngành có liên quan và UBND huyện Đakrông tích hợp dự án vào Quy hoạch vùng huyện, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các quy định về đầu tư, đất đai, môi trường, giải phóng mặt bằng… để triển khai dự án đúng tiến độ.
Dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động sẽ đáp ứng yêu cầu của vận chuyển, thông quan mặt hàng than đá qua cửa khẩu La Lay, đẩy nhanh tốc độ vận tải than đá, giảm tải khối lượng than vận chuyển bằng ô tô trong khu vực, qua đó, giảm chi phí vận tải khi thay thế vận chuyển ô tô bằng băng tải. Giảm thiểu tổn thất than trong quá trình vận chuyển, nâng cao hiệu suất, hạn chế tác động môi trường, mất an toàn giao thông như phương thức vận tải bằng ô tô, giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay, giảm áp lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, rút ngắn quãng đường vận chuyển, hạn chế các tác nhân gây hư hỏng đường sá bởi phương tiện vận tải có tải trọng lớn, góp phần hiệu quả trong đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời giảm thiểu tác động đến các hoạt động khác tại khu vực cửa khẩu. Đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực cửa khẩu, hạn chế các nguy cơ ảnh hưởng về khói bụi so với hình thức vận chuyến bằng phương tiện đường bộ qua cặp cửa khẩu quốc tế La Lay - La-lay như hiện nay. Tăng thu ngân sách cho tỉnh từ nguồn nhập khẩu than qua cửa khẩu quốc tế La Lay và các khoản thu khác từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp có liên quan; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng khu vực biên giới của mỗi nước và hai tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào).

Tác giả: Lê Minh Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên hệ QC
SAM HOLDINGS
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi